Một trong những điều mà các nàng dâu luôn lo lắng khi sống chung với nhà chồng, đó là chuyện chi phí sinh hoạt. Lúc chưa chồng thì ăn tiêu cho bản thân là nhiều, lại còn được bố mẹ đẻ bao bọc, nhưng đến khi thành "vợ người ta" thì mọi thứ phức tạp hơn gấp mấy lần. Đấy là phải gửi tiền ăn tiêu cho bố mẹ chồng hằng tháng, rồi phải lựa quan tâm chăm lo đủ khoản khác trong nhà, nảy sinh thêm cả đống chuyện rắc rối. Ví dụ như nỗi khổ của nàng dâu mới cưới dưới đây, đọc tâm tình cô ấy viết, hẳn nhiều mẹ sẽ thấy quá đỗi quen.
"Các mẹ sống chung với mẹ chồng thì nộp bao nhiêu tiền ăn 2 vợ chồng 1 tháng ạ? Em vừa làm dâu được 5 ngày, mẹ chồng đã nói 3 lần rằng mỗi tháng nộp 6 triệu tiền ăn, thêm 2 triệu biếu bố mẹ dưỡng già là 8 triệu.
Em không đồng ý, 2 vợ chồng còn tính đưa 3 triệu tiền ăn cả 2 đứa từ trước khi mẹ chồng em nói chuyện đó. Lúc bà bảo em chỉ cười và vâng. Chồng em thì cãi ngay, bảo làm gì có nhiều tiền thế mà nộp ngần ấy, mẹ chồng bảo phải thế thì mới đủ. Bố chồng gần 70 nhưng vẫn đi sửa đồng hồ, mẹ chồng thì ở nhà, cho thuê nhà mỗi tháng chục triệu. Em nói chồng là anh bảo mẹ, chứ 8 triệu em chẳng nộp được đâu, chồng em cũng không đồng tình nên bảo sẽ nói chuyện lại với mẹ.
Các mẹ bảo em phải đưa bao nhiêu thì được? Em thấy tủi thân quá, đúng là chẳng ai bằng mẹ đẻ. Lúc nào cũng bảo thiếu tiền không, mang đi mà tiêu".
Hẳn thế nào cũng có người nghĩ ngay trong đầu là khác máu tanh lòng, chuyện đóng tiền sinh hoạt cho mẹ chồng thì trăm nghìn nàng dâu khác đều gặp, có gì lạ lùng mà phải kêu than. Thế nhưng, sự thật thì đối mặt với cảnh đó mới hiểu nó khó xử ra sao.
Hội chị em được dịp tranh cãi ồn ào quanh chuyện đóng tiền chi tiêu cho mẹ chồng.
Dù rất nhiều người đồng cảnh ngộ, nhưng mấy ai xử lý được ổn thỏa với mẹ chồng? Bởi gửi tiền chợ búa, rồi điện nước mỗi tháng cũng chẳng có gì sai, cưới nhau về thêm 1 miệng ăn, đâu phải nhà nào cũng giàu có dư dả để thoải mái chi tiêu, đâu phải bố mẹ chồng nào cũng đủ sức bao nuôi tất. Cái quan trọng là tùy điều kiện từng nhà, bố mẹ chồng có yêu cầu con cái phụ tiền chung trong nhà hay không, và vợ chồng trẻ gửi bố mẹ bao nhiêu để cơm lành canh ngọt mà thôi.
Tuy nhiên, xét trong trường hợp này, đa số chị em đều cho rằng bà mẹ chồng đòi hỏi hơi quá đáng. Kết quả là 2/3 ý kiến đều khuyên cô vợ trẻ ra ở riêng cho đỡ xích mích. Mẹ Hằng Trần ngẫm nghĩ: "Nói thật là vợ chồng mới cưới làm gì đủ khả năng đóng tiền sinh hoạt phí cho mẹ chồng nổi 8 triệu, trừ khi 2 người cùng đi làm lương tháng mấy chục, mấy trăm triệu". Bảo Ngọc thì thở dài: "Khiếp, bố mẹ gì mà bòn rút con cái ghê thế. Ví dụ như ông bà không có đã đành, đây bà cũng có thu nhập cao thì lấy của các con ít thôi, nhà chưa có trẻ con, ăn uống tốn kém là bao mà bắt đóng tận 8 triệu. Đến khi có con nữa thì vợ chồng bạn sống sao".
Cô dâu mới khó xử vì "thử thách" đầu tiên của mẹ chồng (ảnh minh họa)
Một số chị em khác có kinh nghiệm làm dâu đầy mình lại đưa ra quan điểm trái ngược, nhưng cũng không phải chửi bới gạch đá gì: "Thực ra 8 triệu ở thành phố cho 1 nhà chi tiêu khó mà đủ được bạn ạ, thử ở nhà tay hòm chìa khóa lo liệu hết mọi việc gia đình hàng ngày như mẹ chồng mà xem, rồi ghi chép tiền bạc mỗi ngày, biết đâu lại choáng váng vì 8 triệu chỉ đủ tiêu vài hôm ấy chứ"; "2 vợ chồng ở riêng có khi còn tốn kém gấp đôi ấy, đây ở chung có bà chợ búa cơm nước giặt giũ cho rồi, kêu ca gì"...
Đã lấy tiền bằng gấp đôi tháng lương công chức, bà mẹ chồng khó tính còn "nhắc nhở" con dâu đóng tiền tận 3 lần, dù mới cưới được 5 hôm. Phận làm dâu chắc cũng trăn trở nhiều. May mắn là cô vợ trẻ còn được chồng bênh vực, hiểu rõ thu nhập 2 vợ chồng nên chủ động phản đối mức đóng góp mà mẹ chồng đòi hỏi. Được người chồng tâm lý như thế cũng an ủi phần nào. Đọc tâm tình ở trên xong, khối cô nàng cũng lo lắng không biết liệu sau này xuất giá, gặp mẹ chồng vòi vĩnh như vậy thì đối phó ra sao?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét